Bánh bò nướng lá dứa - Thơm ngon đến lạ

Bánh bò nướng lá dứa ngon vì sao?

Khi mới bắt đầu giới thiệu sản phẩm bánh bò nướng đến với thực khách, sản phẩm mà team mong muốn giới thiệu rộng rãi đến mọi người là bánh bò nướng thốt nốt với hương vị truyền thống, nhưng lạ lùng thay, khách hàng lại tìm đến Bánh Gì vì bánh bò nướng lá dứa. 

Hỏi thăm mới biết, rễ tre của bánh lên tua tủa, đều tăm tắp trông vô cùng hấp dẫn cùng với màu sắc tự nhiên và lôi cuốn của lá dứa chính là nguyên nhân làm thấp thỏm con tim ẩm thực của quý thực khách sành ăn 😁. Trong vô số lời khen mà team nhận được có một vài thắc mắc “sao nó ngon quá vậy em?” làm team hơi khó xử, không biết đây là câu hỏi thiệt hay là một câu hỏi tu từ. Không cần chần chừ, team xin tiết lộ bí quyết làm nên chiếc bánh bò lá dứa nướng thơm ngon của mình nhé.

bánh bò lá dứa nướng

Lá dứa ngon làm nên tất cả

Để làm được bánh bò nướng lá dứa ngon, nguyên liệu đầu tiên cần chuẩn bị chính là lá dứa...tươi. Nghe qua thì có vẻ hơi hiển nhiên nhưng bí quyết lại nằm ở bước đầu tiên này đấy ạ. Nhờ những chiếc lá dứa tươi ngon, bánh bò nướng được khoác lên mình một màu xanh thuần khiết và bắt mắt. Bánh bò lá dứa nướng có màu đẹp chính là màu xanh của lá dứa chuyển từ chân dần lên đến thân và sẫm màu hơn ở ngọn. Nếu làm bánh bò nướng lá dứa bằng màu thực phẩm kết hợp với hương lá dứa hoặc tinh chất lá dứa đóng chai thì thành phẩm ra lò khó mà hấp dẫn vì chỉ có một màu xanh duy nhất.

những chiếc lá dứa tươi ngon được tuyển chọn

Hương thơm lá dứa đặc trưng pha lẫn chút nhựa cỏ cây mang đến một chút ngất ngây, đưa thực khách trở lại miền đồng thảo nơi có những cánh cò bay lả xen kẽ bên những mái nhà nhỏ lưa thưa. Bánh bò nướng lá dứa có ngon hay không chính là nhờ vào bí quyết giữ được hương lá dứa này. Không giống như các loại bánh hấp làm bằng lá dứa, bánh bò nướng lá dứa cực kỳ khó chịu vì khi nướng sẽ làm bay hơi toàn bộ hương thơm của lá dứa, nếu không biết cách, bánh nướng ra chỉ còn là một mùi hỗn hợp của bột và trứng.

lá dứa tươi - nguyên liệu truyền thống

Kỳ công giữ giá trị truyền thống

Với phương châm đặt giá trị dân gian trong từng sản phẩm bánh bò nướng, team Bánh Gì đã chọn cho mình cách làm truyền thống. Để ra lò được những chiếc bánh bò lá dứa nướng chuẩn vị thiên nhiên, team Bánh Gì phải mất nhiều thời gian và công sức hơn những cách làm khác trên mạng. Nhưng đổi lại, những lời khen tấm tắc và niềm vui trên gương mặt của khách hàng sau khi ăn bánh bò lá dứa nướng của team Bánh Gì chính là nguồn động lực để team tiếp tục cố gắn trong hành trình tìm về bản sắc và linh hồn ẩm thực dân gian Việt Nam.
Share:

Bánh bò nướng lá dứa - cả thiên nhiên thu bé lại vừa tròn một chiếc bánh

Bánh bò nướng lá dứa đưa ta về với thiên nhiên.

Xã hội càng đô thị hóa, cuộc sống của chúng ta càng trở nên bộn bề và hối hả. Nó khiến chúng ta quay mòng mòng theo nhịp sống rồi xa rời hình ảnh cánh đồng quê. Cánh đồng quê nơi đó có còn đường nho nhỏ, có bụi tre lấp ló những cánh cò, có xa xa những hàng dừa xanh mát, hai bên đường lá dứa khẽ đung đưa.

Những trái dừa mọng nước cộng với hương lúa chín mùi hòa chung với màu lá dứa xanh mát lại gợi cho chúng ta nhớ về những món ăn của bà và của mẹ. Nào là các món chè có nước cốt dừa đặc quánh, những chỏ xôi, nồi cơm nếp thiệt thơm hay đủ loại bánh bắt nguồn từ lá dứa. Bạn có bao giờ thử bánh bò lá dứa nướng chưa?

bánh bò nướng lá dứa

Bánh bò nướng làm từ lá dứa

Lá dứa hay còn được gọi là lá nếp, từ lâu đã được người dân sử dụng như nguyên liệu cho các món ăn truyền thống của người Việt Nam. Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh lá dứa mọc dọc ven sông bên những đoạn đường đê, đặc biệt là trên những đoạn đường xuôi về các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Lá dứa gắn bó mật thiết với cuộc sống thôn quê, nó mang trong mình sự gần gũi, ấm áp và hạnh phúc của những bữa cơm gia đình. Hơn thế nữa nó còn là tuổi thơ của bao nhiêu thế hệ khi gắn liền với những món ăn dân dã như bánh lọt, bánh đúc ngọt, bánh da lợn, xôi lá dứa, bánh xu xê, bánh bao, bánh bông lan,... và cuối cùng là bánh bò nướng 😜

Hương lá dứa - hương của đồng nội

Lá dứa mang trong mình một hương thơm thanh thoát. Đối với bà con miền Tây, nó phổ biến như là Vani của phương Tây vậy. Chỉ với một vài chiếc lá dứa cho vào chỏ xôi hay nồi cơm, chúng ngay lập tức làm nổi bậc hương thơm của món ăn, đánh thức khứu giác của những thực khách đang thèm thuồng. Hương thơm của lá dứa có pha lẫn với một chút mùi của nhựa cây. Chính vì thế, mùi thơm của lá dứa gắn liền với hương thơm của đồng nội, gợi cho ta liên tưởng tới hình ảnh cánh đồng mênh mông mà không có một loại chiết xuất nào có thể thay thế được.

lá dứa tươi và nước cốt từ lá dứa

Màu xanh lá dứa - sắc màu của thiên nhiên

Màu xanh của lá dứa là màu của thiên nhiên và rất đặc biệt, nó tượng trưng cho sức sống và sự trưởng thành. Nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy lá dứa không hoàn toàn là một màu xanh lá, nó chuyển từ màu xanh sáng ở phần gốc và xanh đậm dần lên đến phần ngọn. Lá dứa càng ngon, sự chuyển màu càng gần về phần gốc và phần ngọn sậm màu hơn, lúc này ta có thể gọi nó là “lá chín” hay lá "trưởng thành". Chính vì màu sắc đặc biệt ấy mà biết bao nghệ nhân ẩm thực đã cố gắn đem nó vào sản phẩm của mình.



bánh bò nướng rễ tre

Bánh bò nướng lá dứa của Bánh Gì

Bánh bò nướng lá dứa của Bánh Gì chính là sự kết hợp hoàn hảo giữa thiên nhiên và ẩm thực khi mà những chiếc bánh làm ra điều có màu sắc tự nhiên và giữ được hương vị chuẩn của lá dứa. Một miếng bánh bò lá dứa nướng thơm ngon sẽ phút chốc đưa bạn trở về thăm lại cánh đồng quê, nơi có con sông, cánh cò và con đường nhỏ dẫn vào mái nhà xưa.

Share:

Đường thốt nốt - từ kỳ công đến trân trọng và gìn giữ tinh hoa

Đường thốt nốt đến từ đâu? 

Nếm thử một ít đường thốt nốt nguyên chất, bạn sẽ cảm nhận được một vị ngọt thanh mát pha lẫn với chút hương thơm độc đáo đến từ thứ trái ngon lành này. Có thể bạn sẽ thắc mắc đâu là thứ tạo nên món đường diệu kỳ như vậy hay xa hơn là cách để tạo ra những viên đường thốt nốt đúng chuẩn, hãy cùng Team Bánh Gì tìm hiểu nhé.

Cây thốt nốt

Đến với thủ phủ của đường thốt nốt, bóng dáng của những cây thốt nốt cao đến hơn chục thước xếp thành hàng với những tán lá xòe rẻ quạt đẹp như tranh vẽ rất đặc trưng của huyện Tịnh Biên và Tri Tôn tỉnh An Giang

Dưới cái nắng gay gắt của miền Tây Nam Bộ, cây thốt nốt như một vị cứu tinh khi phơi mình che bóng mát, cứu du khách và người dân nơi đây khỏi những cơn khát bằng thứ nước ngọt dịu hòa với một chút cơm giòn giòn, sật sật trộn lẫn trong những ly đá mát lạnh. Du khách đến đây rất dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ với đòn gánh lủng lẳng những chùm ống tre chứa đầy nước phía trước và hàng tá bọc đường thốt nốt ở phía sau. Quả thật, cây thốt nốt không chỉ tô điểm mà còn mang lại nguồn kinh tế quan trọng cho vùng đất này. 

nước thốt nốt

Nước thốt nốt

Cứ ngỡ rằng quả thốt nốt cho ra nước tươi mát như nước dừa và là nguyên liệu để chế biến đường thốt nốt nhưng lại không phải. Người dân nơi đây dùng nước thốt nốt từ hoa để sản xuất ra đường thốt nốt. Ngạc nhiên chưa? 😜

Những cây thốt nốt cao to từ 12 đến 15 năm tuổi sẽ bắt đầu cho ra những bông hoa với sản lượng nước thốt nốt dồi dào. Nước thốt nốt được người dân gọi thân thương là mật hoa thốt nốt. Công cuộc để lấy được mật hoa cũng lắm gian nan vì đòi hỏi người lấy phải là những chàng trai có sức khỏe dẻo dai để có thể trèo lên ngọn cây cao hơn chục thước để tiếp cận những chùm hoa chứa đầy mật. Thời gian lấy mật hoa, công cụ giữ mật hoa và sơ chế mật hoa quyết định rất lớn đến chất lượng đường thốt nốt thành phẩm. 

Kỳ công nấu đường thốt nốt

Nếu công đoạn lấy mật và giữ mật hoa đã khó, công đoạn nấu đường thốt nốt cũng lắm công phu. Mật hoa sau khi tách khỏi hoa cần được chế biến thành đường thốt nốt trong vòng 24 tiếng để tránh bị lên men. Thời gian nấu đường mất hơn 4 giờ liên tục khuấy nồi để tránh bị khét đáy. Thành phẩm từ mật hoa là những viên đường thốt nốt vàng vàng, nâu nâu rất ư là đẹp mắt.

đường thốt nốt dạng viên

Nhận biết đường thốt nốt ngon

Đường thốt nốt ngon là loại đường giữ được hương vị đặc trưng của mật hoa cho dù chế biến cùng với các nguyên liệu khác. Khác với đường mật mía, một loại đường nâu đậm như caramel nhưng lại ngọt đậm từ mía.

Màu vàng của mật hoa thốt nốt kết tinh là màu vàng nghệ đặc trưng. Khi nấu cùng nước dừa hoặc pha chế các món thức uống, màu vàng ấy không hề thay đổi mà hòa vào và tạo ra màu vàng đẹp mắt cho cả món ăn. 

Vị của viên đường thốt nốt là một vị ngọt độc đáo. Vị ban đầu khi nếm vào sẽ là một chút chua chua của mật hoa tươi nhưng hậu vị lại là một vị ngọt thanh hoàn hảo.

bánh bò thốt nốt nướng

Gìn giữ tinh hoa qua từng chiếc bánh

Hiểu rõ sự kỳ công để tạo ra viên đường thốt nốt, sản phẩm bánh bò thốt nốt nướng của team Bánh Gì chính là sự trân trọng mà team muốn gửi đến những người nghệ nhân như một lời cảm ơn. Từng chiếc bánh bò thốt nốt nướng làm ra được đo lường, chế biến cẩn thận và tỉ mỉ để thành phẩm làm ra vẫn giữ được hương vị và nét độc đáo như chính cái cách mà viên đường được tạo nên.

Share:

Bài đăng tiêu biểu

Tổng số lượt xem trang